Review sách Vùng đất quỷ tha ma bắt – Kevin Chen

Mình đánh giá đây là một cuốn sách đáng đọc của Kevin Chen. Mạch chính của truyện là vào ngày rằng tháng 7, người con thứ 7 trong gia đình tại miền trung đảo Đài Loan trở về quê cũ, hội họp với các chị của mình sau rất nhiều năm xa cách, nhân việc đó, sách đi sâu vào từng người trong gia đình để kể lại cuộc sống, những biến cố của từng người, cả trong quá khứ và hiện tại.

Sách có 2 mạch thời gian là hiện tại và quá khứ (cỡ khoảng 30 năm trước, khi đảo Đài Loan bắt đầu khôi phục quan hệ thương mại với Trung Hoa), câu chuyện cho thấy hoàn cảnh xã hội của Đài Loan trong quá khứ, nhấn mạnh được những hủ tục và những lề thói xã hội đè nặng nên người dân nơi đây. Khiến cho họ khó mà thoát nổi sự khổ đau. Dưới đây là những điều mà mình tìm thấy ở tác phẩm.

Ràng buộc của xã hội xưa:

  • Chế độ phụ hệ, bất bình đẳng nam nữ. Người mẹ, người con gái trong gia đình phải chịu khổ, thậm chí là chịu bạo hành. Chuyện đồng thời cũng cho thấy cách phản ứng của người phụ nữ với sự bất bình đẳng đó: họ cam chịu, cố gắng sống cùng nó, không ai có dũng cảm phá vỡ sự ràng buộc đó, thậm chí khi có cơ hội thoát khỏi nó thì họ lại biến mình thành mắt xích gìn giữ cho sự ràng buộc đó (VD: người mẹ cao Thanh Thảo của A Sơn).
  • Sự khổ cực của người đồng giới. Bị đồn thổi, xa lánh. Thậm chí ta thấy ngay cả những nước được cho là văn minh hơn như Đức, vào thời đó họ vẫn kĩ thị người đồng tính.
  • Miệng lưỡi thế gian (lời đồn đại Cây Cau)
  • Sự mê tín dị đoan (bói gạo)
  • Tâm lý sính ngoại (nhà họ Vương bán đồ in bao bì Nhật)
  • Mong muốn nở mày nở mặt với thiên hạ (nhà họ Vương xây nhà to, Trần Thiên Nhất in hình mình dán khắp nơi)

Ràng buộc của xã hội nay:

  • Áp lực từ mạng xã hội: content sai lệch, sự tẩy chay của số đông (Thục Lệ)
  • Sự phát triển của tư tưởng phụ hệ từ công khai sang kín đáo ( nhà Thục Thanh)

Về nhân vật, mình thấy sách được chia thành 2 tuyến nhân vật chính (người nhà họ Trần), phụ (những người còn lại, bao gồm hàng xóm, các con rể của A Sơn). Nếu đào sâu vào hoàn cảnh từng nhân vật chính, ta thấy mỗi người đều có nỗi khổ riêng, có khi đó là vấn đề của cả thời đại. Trong tuyến nhân vật chính, người thanh thản nhất có khi là A Sơn, vì ông được sống 10 năm cuối đời trong yên bình, các nhân vật còn lại cho đến nay đều mang trong mình một nỗi khổ tâm nào đó. Trong tuyến nhân vật phụ, mình ấn tượng nhất nhân vật người giết rắn, ông nhanh nhẹn hoạt bát, lại có chính kiến riêng chứ không a dua theo số đông (Khi A Sơn và Cây Cau lâm vào tình thế nguy hiểm, ông đã bao bọc cho họ, nhận một phần nguy hiểm về mình).

Cách viết truyện rất hay:

  • Tác giả thường xuyên đưa ra một phần tình tiết trong quá khứ để hấp dẫn người đọc, nhưng lại không giải thích đầy đủ, muốn biết hết tình tiết đó thì người đọc bắt buộc phải đọc tiếp.
  • Một số đoạn có lối viết đặc trưng cách nói chuyện của người TQ (VD: cách liệt kê có rồng, có hổ, có phượng … )
  • Một số hình ảnh mô tả rất ấn tượng, như hình ảnh A Thiền tụng kinh tại Thành Cước Ma trong khi bên cạnh đang giết lợn, tiếng lợn kêu hòa cùng tiếng tụng kinh, máu lợn chảy đến tận chân A Thiền. Rồi hình ảnh cái kênh thối vứt xác động vật, Mãn Muội ra đó tự tử. Rồi hình ảnh Tố Khiết ở trong phòng hôi hám bẩn thỉu, mùi bay xuống tận tầng dưới.
  • Có vài twist khá hay: Thiên Nhất sau khi đi tù về trở thành người làm vườn cho nhà họ Vương.

Cái kết A Thiền vẫn sống chứ ko chết cháy mới đầu cũng khiến mình bất ngờ, nhưng lại thấy hơi hụt hẫng, A Thiền còn sống giờ cũng không giải quyết được những vấn đề mà các con bà đã trải qua, nhưng đó cũng cho thấy sự biến chuyển của nội tâm bà, đó cũng là một biểu tượng cho sự tiến hóa của những lề thói cũ sang những quan niệm tươi sáng hơn.

Tóm lại, mình hài lòng với cuộc sách này, tác giả có nhiều nét tương đồng với Thiên Hoành, cũng gay, và quê Vĩnh Tĩnh, chắc chắn rằng ông đã mang rất nhiều câu chuyện xảy ra ngoài đời thực vào trong truyện, nên truyện của ông mới có nhiều khúc chua chát và sống động thế.

dungdc40