Hôm nay là ngày sinh của một trong những nhân vật lỗi lạc nhất trong lịch sử nhân loại – phật Thích Ca. Mặc dù đã có vô số bài viết tán thán cụ và tư tưởng mà cụ đã góp phần hình thanh nên nhưng cũng không là thừa khi nói thêm một chút.
Đức Phật, người đã bền bỉ thuyết pháp suốt 45 năm lại thật sáng suốt khi không cho ghi chép lại những bài giảng của mình, góp phần thúc đẩy đạo Phật phát triển một cách tự do. Sau khi Phật qua đời một thời gian, đạo Phật đã hình thành các luồng tư tưởng khác nhau, phái Thượng tọa, chủ trương bám sát vào những lời Phật dạy và phương pháp tu tập của Đức Phật, và phái Đại chúng cởi mở hơn trong tư tưởng và thực hành tu tập do đó gây được ảnh hưởng rộng rãi hơn, hai phái đó sau này thành tiền thân của phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa. Phật giáo Đại thừa, vì chủ trương cởi mở hơn trong việc tu học và thực hành, nên đã phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Đi vào các vùng văn hóa khác nhau, nó tự điều chỉnh mình để phù hợp với vùng văn hóa đó, từ đó tạo ra các tông phái Phật giáo mang bản sắc riêng. Một nhánh của Phật giáo là Mật Tông đi vào Tây Tạng, dưới sự ảnh hưởng của đạo Bon, hình thành nên Mật Tông Tây Tạng. Thiền tông Phật giáo được truyền qua Trung Hoa và trở nên một tông phái Phật giáo lớn tại đây. Tại Việt Nam ta, thiền tông cũng du nhập vào và hình thành nên phái thiền Trúc Lâm Yên Tử mang những nét riêng rất đặc sắc.
Trải qua thời gian dài phát triển, Phật giáo đi qua nhiều khúc thăng trầm, Phật giáo sinh ra và sau đó suy tàn tại Ấn Độ, để rồi phát triển rực rỡ tại Trung Hoa, Nhật Bản và các quốc gia Đông Á khác. Đến thế kỉ 20, Phật Giáo tại Trung Hoa đã không còn phát triển rực rỡ như thời nhà Đường nữa, nhưng lúc đó lại chứng kiến làn sóng rất nhiều nhà sư và học giả truyền bá Phật giáo sang phương Tây, ngày nay ta thấy nhiều tăng ni là người phương Tây, hi vọng người phương Tây cũng góp sức vào việc phát triển Phật giáo như người phương Đông đã làm.
Về mặt tư tưởng, ở mức độ thấp, Phật giáo góp phần giáo hóa người học, biến con người trở nên lương thiện, có ích cho gia đình và xã hội, đồng thời chuẩn bị cho con người một tinh thần cứng cáp để đứng vững trước các biến cố của cuộc đời, thông qua các lý thuyết căn bản như tứ diệu đế, bát chánh đạo, thập nhị nhân duyên, người tu dần nhận ra đau khổ trong đời sống là điều không thể tránh khỏi, để rồi thay vì oán trách cuộc đời ngang trái hoặc cố gắng vùng vẫy thoát khỏi nó, người ta đón nhận nó một cách bình thản và dần dần vượt lên trên nó.
Nhưng mục đích cao nhất của Phật giáo không phải chỉ là giúp ta mạnh mẽ hơn, mà là giúp ta nhận ra được thực tại và sống được với thực tại ấy một cách an lạc mãi mãi. Con người có thể trải nghiệm từng giây từng phút của đời sống trong sự an lạc mà không sợ hãi, không phiền muộn, không luyến tiếc hôm qua cũng không lo sợ ngày mai không, nếu có thì làm cách nào? Đứng trước câu hỏi đó thì câu hỏi về cơm áo gạo tiền của thế gian dường như trở nên quá mỏng manh!. Phật giáo quả quyết rằng mỗi cá nhân đều có trong mình một thứ gọi là Phật tánh, tìm ra được Phật tánh tức là nhận ra và trải nghiệm được í nghĩa thực sự của cuộc sống, từ đó con người có thể sống trong niềm phúc lạc vô biên, đó chính là câu mà Đức Phật đã thốt lên sau khi chứng ngộ dưới gốc bồ đề: “Thật kỳ diệu thay, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nhưng vì bị vô minh che lấp nên họ không nhận ra điều ấy”, toàn bộ giáo lý Phật giáo đều xoay quanh việc giúp ta khai mở được Phật tánh này. Trải qua mấy ngàn năm phát triển, các tông phái Phật giáo có các cách thức khác nhau để hướng dẫn người học nhận ra Phật tánh, thiền tông dùng thiền, công án, thoại đầu. Tịnh độ tông dùng câu niệm Phật. Mật Tông trì chú và quán tưởng, nhưng tựu chung lại các pháp môn đều dựa trên nguyên lý về sự huân tập của Duy Thức học, người tu liên tục quán tưởng, hoặc nhắc lại một điều gì đó, điều đó giống như việc gieo một hạt giống vào tâm thức, đến ngày hạt giống đó nảy mầm và trổ quả ra, thì đó là quả giác ngộ.
Yếu tố quan trọng bậc nhất của học Phật là niềm tin, nếu không tin thì người học sẽ chỉ hiểu một cách hời hợt mà chẳng được lợi ích gì. Người học cũng không thể tin tưởng hoàn toàn vào tất cả những điều nghe được về Phật giáo, vì như thế sẽ làm cho người ta trở nên cuồng tín, kinh điển Phật giáo tồn tại rất nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng, nói “tại Tây phương cực lạc các con đường đều được dát vàng” thì ta không thể hiểu là con đường được dát bằng vàng thật, mà đó là một trạng thái của tâm thức thôi. Một ví dụ khác là khi Phật Thích Ca ngồi thiền dưới gốc bồ đề chuẩn bị thành đạo, có hằng hà sa số thiên ma hiện lên quấy phá ngài, ta cũng ko nên hiểu điều đó là yêu ma thật, mà nên hiểu đó là các ma cảnh có thể hiện ra khi người tu đạt đến một trình độ nào đó thôi. Chính cái sự tin mà không mù quáng này làm hình thành môt yếu tố quan trọng khác là sự nghi ngờ, ta phải biết nghi hoặc những điều được nghe rồi lấy chính cuộc sống của mình ra để kiểm nghiệm và chứng thực điều được học, từ đó những điều ta được nghe trở thành kinh nghiệm cá nhân, chứ không phải một mớ lý thuyết suông.
Đối với tôi, việc học Phật cũng như việc người ta nghiên cứu một dòng sông, một nhà khoa học sẽ đến lấy một ít nước mỗi ngày rồi mang về phòng thí nghiệm để phân tích, tìm ra từng thành phần của nước. Nhưng một người ngư dân sẽ nhảy thẳng vào dòng sông, anh ta bơi lội vùng vẫy trong dòng sông đó, chỗ nào nông sâu, chỗ nào ấm lạnh, chỗ nào mạnh yếu… anh ta đều biết, cứ như thế cho đến ngày có thể bơi lội tự do như người đi trên cạn, là lúc anh ta sống được và hòa làm một với dòng sông. Tôi cho rằng học Phật không phải chỉ đọc trên kinh điển, cũng không phải chỉ đến lúc đi chùa mới thành tâm, mà chính trong cuộc sống hàng ngày phải liên tục thực hành, liên tục không ngơi nghỉ, như thế mới mong đạt kết quả.
Trước thời Phật Thích Ca chắc chắn đã có rất nhiều bậc giấc ngộ, nhưng Thích Ca là người đầu tiên phát biểu nó ra thành một tư tưởng và phát triển nó một cách rộng rãi, nhờ đó mà về sau vô số người đã theo dấu chân cụ và đạt được thành quả, tư tưởng của cụ cũng đã được phát triển ra và tồn tại dưới dạng nhiều tông phái khác nhau. Giờ đây tôi cảm thấy thật biết ơn các cụ (Đức Phật và sau này là các Tổ, thiện tri thức), vì thương xót chúng sinh còn sống trong khổ đau mà các cụ không tiếc công đưa đường chỉ lối, nhờ đó ngày nay ta có thật nhiều công cụ để thực hành và thúc đẩy sự thực hành của mình, ta chỉ việc vững bước và tiến tới thôi 😀