Gần đây không khó để ta nhận ra có nhiều vụ học sinh quá áp lực với việc học tập mà đã từ bỏ cuộc sống của mình, nhiều người chỉ trích cách dạy con của cha mẹ, rồi chương trình giáo dục của nhà trường, hôm nay tôi viết về một vấn đề khác, nhưng vẫn liên quan mật thiết tới vấn đề đó, là sự kì vọng.
Trong cuộc sống, chúng ta luôn muốn có sự phát triển về của cải vật chất, tinh thần, cho rằng ngày mai phải tốt hơn hôm nay, phải kiếm được nhiều của cải hơn, phải có nhiều bạn bè hơn, phải được nhiều người biết đến hơn, đó chính là sự kì vọng, kì vọng thường là đi lên hoặc đi ngang, chứ ít khi đi xuống. Chúng ta không chỉ kì vọng lên chính chúng ta, mà còn đặt kì vọng lên người khác để có lợi cho bản thân mình hoặc cho chính họ, điều này diễn ra ở mọi nơi trong mối quan hệ giữa người với người.
Bản chất của nó ko xấu, tôi hỏi vợ tôi mua cho tôi một cái kem khi đi chợ về, thì tất nhiên tôi kì vọng cô ấy mang cái kem về nhà, nhưng nếu cô ấy về nhà mà không có cái kem thì tôi cũng không đến nỗi đau khổ, đây là loại kì vọng nhỏ, vì nó vô thưởng vô phạt, nhưng có nhiều loại kì vọng ghê gớm hơn nhiều, như kì vọng con phải học chăm chỉ để đỗ vào trường chuyên, kì vọng năm nay chơi cổ phiếu phải lãi X lần. Kì vọng quá đà và liên tục sẽ tạo một áp lực không nhỏ lên người được kì vọng, biến mong muốn của ta thành sợi xích thắt chặt lên cổ người khác và giật họ theo hướng mà ta muốn, và người kì vọng thì có tiềm năng trở thất vọng, buồn bã, oán trách vì không đạt được những gì mình muốn.
Vậy nên kì vọng là một con dao 2 lưỡi, nó là lực đẩy vô hình thúc giục người mạnh mẽ đi lên, nhưng là hòn đá tảng đè bẹp những người yếu đuối. Chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển, cuộc sống thoải mái tiện nghi đầy đủ, chính chúng ta cũng phải nỗ lực không ngừng để phục vụ lại xã hội, trong cái guồng quay đó, chúng ta bắt đầu so sánh cái chúng ta có với những người xung quanh, tại sao anh ta mua được căn nhà đó mà tôi chưa mua được, tại sao bố mẹ anh ta nhiều của cải thế mà bố mẹ tôi thì không, tại sao con cái anh ta học giỏi thế mà con tôi thì nghịch ngợm chả chịu học. Chúng ta tự biến đầu óc chúng ta trở thành một bãi chiến trường để tranh hơn thua với người khác, chúng ta bắt đầu kéo người thân vào cái bãi chiến trường ấy, chúng ta bắt đầu kì vọng, bắt đầu tạo áp lực lên những người thân yêu của chúng ta,… và bắt đầu kéo họ cùng đi xuống.
Con người có tình cảm, có kì vọng và sẽ không bao giờ chấm dứt đặt kì vọng ở một mức độ nào đó. Ta không bao giờ thay đổi đc cách người khác kì vọng, điều ít nhất ta có thể làm là chấm dứt gây đau khổ cho người khác (và cho chính mình) bằng cách giảm kì vọng, đừng kì vọng bố mẹ sẽ mua cho mình cái nhà, cái xe, đừng kì vọng con mình sẽ vào được trường này trường kia, đừng kì vọng vợ/chồng mình sẽ cho tiền mình hàng tháng để đi spa, cũng đừng kì vọng chính mình phải đạt được những điều xa vời, hãy làm việc vì tình yêu với công việc, hãy tận hưởng cuộc sống, đừng khiến cho mọi việc trở nên căng thẳng. Giảm bớt kì vọng là giảm bớt áp lực trong cuộc sống, là một việc làm thiết thực để hướng tới điều mà ai trong chúng tay cũng đang theo đuổi – hạnh phúc.